XIN GIÃ TỪ ƯU PHIỀN
K.Sri Dhammananda
Vào một buổi chiều nắng nhạt, hòa mình trong làn gió nhè nhẹ của trời Sài Gòn là tấp nập cảnh người và xe cộ chen chúc nhau, cố gắng lăn từng vòng xe để trở về với mái ấm của mình khi tan sở. Và tôi cũng vậy, cũng cố gắng nhích từng vòng xe để kịp gặp Hai và nhận từ Hai một món quà rất ý nghĩa. Đó là cuốn sách "Xin giã từ ưu phiền" của K.Sri Dhammananda (NXB Tôn giáo).
Tôi nhẹ nhàng quay ngược cuốn sách lại để đọc mục lục như thông thường, nhưng bỗng nhiên những dòng chữ trên bìa sau cuốn sách đã đập vào mắt tôi: "Nếu có một địa ngục trên trần gian thì người ta sẽ tìm ra nó trong trái tim của một người ưu phiền đau khổ". Khi dứt từ cuối cùng, phải chăng không gian im ắng của buổi trời chiều thường đẩy đưa con người ta tới những suy nghĩ trầm lắng? Mà chột dạ tôi nghĩ ngay đến bản thân – một ý nghĩ quái dị xuất hiện “Tôi là một người luôn luôn ưu phiền và lo sợ. Chẳng lẽ "địa ngục trần gian" nằm trong chính "trái tim" tôi sao!!". Rồi những câu hỏi "tại sao?" cứ chen nhau xuất hiện trong đầu tôi như những giọt nước mắt đang rơi trên đôi mắt thơ dại của một cậu bé khóc tức tưởi vì trận đánh đòn vừa xong, nào là tại sao nét buôi luôn nằm trên khuôn mặt bầu bĩnh của cô bé tuổi hai mươi? Nào là cuộc sống của tôi là địa ngục thì đâu phải tôi đang sống? Đồng thời những kí ức buồn bã cứ thế hiện ra trong đầu tôi như để trả lời cho những câu hỏi ấy vậy. Chưa bao giờ kí ức lại tràn về nhanh như thế trong suy nghĩ của tôi. Tôi buồn trở về tuổi thơ, sinh ra trong cảnh nghèo khó, tôi run sợ và nhút nhát trước những trận đòn khủng khiếp mà anh chị phải nhận từ cha tôi. Vẻ mặt, tính cách trầm lặng sống trong tôi như một cái bóng đi cùng, tôi không hề nói chuyện với ai trong lớp, như là một bức tượng nằm trơ trong lớp học, ngày ngày lẳng lặng ra vào lớp như một người tàng hình không ai biết ai hay.
Tôi lại buồn khi trở về tuổi trung học cơ sở, tôi sợ sệt và lạnh lùng khi phải sống cảnh cha mẹ làm ăn xa, rồi những trận đòn vô lí của người chị Ba, sau đó tôi và em trai phải tự lo lấy mọi việc từ học hành, cơm nước, chợ búa, nhà cửa, v..v… Và rồi cũng là tâm trạng buồn trong thời gian cấp ba bởi những xung đột giữa tuổi mười bảy, mười tám với gia đình.
Tôi trở thành một đối tượng để mọi người trong gia đình trút giận khi có chuyện không vui, là chỉ của em út nhưng luôn bị coi là kém cỏi, ngu dại hơn em mình, tôi luôn cảm thấy bị hất hủi và bị tổn thương khi có những chuyện dù là nhỏ nhặt xảy ra trong gia đình, luôn phải khóc một xó khi nhận những lời chửi mắng tục tiễu. Có lẽ, sống trong cảnh như vậy nên khi nhận giấy báo đi học tôi không mảy may buồn vì phải học xa nhà như bao đứa bạn khác, mà ngược lại tôi vui mừng vì nghĩ mình sắp được thoát khỏi gia đình này, thoát khỏi vị trí là một người thừa, như một nhân vật không có, không đáng được coi là thành viên trong gia đình.
Tưởng đâu tôi hạnh phúc trong suy nghĩ ấy khi đi nhập học. Nỗi buồn ấy tuy không xuất hiện thường trực trên mặt như trước đây, nhưng cũng chẳng khác mấy khi vị trí của nó là trong lòng tôi. Một nỗi ưu phiền nào đấy vẫn ngự trị trong trái tim tôi. Tôi luôn bực dọc trước những vấn đề không may xảy ra, tôi cố bắt tôi phải đạt được thế này, thế kia để không bị coi thường, tôi ghen tị với những ai có gia đình mà mọi người đối xử tốt với nhau, tôi mặc cảm…
Tôi suy nghĩ về những kí ức ấy, rồi tôi quay về với thực tại, với cuốn sách trên tay và tôi tiếp tục lật những trang đầu tiên ra, dừng lại ở lời mở đầu:
"Bạn ưu phiền ư? Bạn đau khổ ư? Nếu vậy, tôi khuyên bạn nên đọc kỹ cuốn sách này… Nếu bạn cảm thấy ưu phiền, bạn sẽ đau khổ. Khi bạn đau khổ, bạn ưu phiền. Chúng ta phải đối mặt với những sự thật… Chúng ta phải khắc phục chúng. Chúng ta có thể hành động như vậy bằng chính nỗ lực của mình với lòng quyết tâm và kiên nhẫn. Bằng những hiểu biết đúng đắn và sự thông minh khôn khéo, chúng ta sẽ có thể thuần hóa những cảm xúc về tình cảm của mình và diệt trừ những ưu phiền đau khổ…". Tôi bỗng nhiên bị thu hút vào cuốn sách như nó đang va đập đến cái tôi đang quan tâm, đang hằn sâu nơi ngỏ ngách nào đó trong tim tôi vậy. Tôi say sưa đọc nó từ mẩu chuyện này sang mẩu chuyện khác vào những khoảng thời gian mọi người ngủ vì thơi gian này nó thấm vào tôi rất dễ dàng.
Mỗi một mẩu chuyện về một nhận định tôi đều thấy điều tôi cần xuất hiện trong đó, như mẩu chuyện “ưu phiền và lo sợ" tôi nhận ra vì sao mình cảm thấy ưu phiền lo sợ, phải chăng là tôi "... cứ lao vào cuộc kiếm tìm, khám phá – đầu tiên là một điều này, rồi sau đó đến điều khác mà không lúc nào thỏa mãn." Hay là tôi yếu đuối đắm chìm trong quá khứ đau khổ mà không tự đứng dậy nhìn về phía tốt đẹp mà rũ bỏ ưu phiền đi. Ưu phiền lo sợ làm tôi và người quanh tôi "tàn phá thể xác lẫn tinh thần của bạn và chẳng bao giờ đem lại bất cứ ích lợi nào cho bản thân bạn. Không chỉ vậy bạn còn tạo nên một không khí bệnh hoạn trong gia đình, nơi làm việc và trong xã hội. Bạn cũng gánh lấy trách nhiệm trong việc quấy rầy sự an vui và hạnh phúc của người khác".
Và tôi tìm được một phương pháp từ cuốn sách để thoát khỏi tâm trạng lo sợ, đó là "hãy cố gắng làm điều gì đó cho người khác", chẳng hạn như bạn khát khao giúp ai đó thì tư tưởng bạn dồn sức lực để giúp người đó và như vậy bạn sẽ đẩy lùi đi lo sợ. Tôi bị lôi cuốn hơn khi tiếp cận mẩu chuyện “bản chất của cuộc sống”. Nó cho tôi thấy được, nếu mọi người hiểu quy luật tất yếu của cuộc sống, những cái vô thường của cuộc sống thì những bạn trẻ sẽ không ưu phiền và lo sợ, không lao vào những ảo tưởng không có thật trong cuộc đời, như những bạn gái trẻ luôn cố tìm những hình mẫu lí tưởng trong những bộ phim tình cảm lãng mạn cho trái tim mình, để rồi thất vọng trước một thực tế là không có điều ấy mà hình mẫu ấy chính các cô tự nhào nặn nên bằng khát khao của chính bản thân, để rồi các cô buồn bã, ưu phiền. Còn với những người lớn tuổi thì mẩu chuyện "bản chất của cuộc sống" giúp họ nhận thức được những điều vô thường trong cuộc sống, để khi đối mặt với tuổi già họ không còn cảm thấy bị hụt hẫng và cảm thấy bị bỏ rơi mà họ tự nói rằng "tôi buộc phải già, tôi không có khả năng chống lại cái già. Tôi buộc phải bệnh tật, tôi không có khả năng tránh khỏi bệnh tật. Tôi buộc phải chết, tôi không có khả năng thoát khỏi cái chết" để họ không phải lo sợ tuổi già khi về già, không còn ưu phiền vì bệnh tật thậm chí là cái chết. Hay nói như chủ đề trong “Cáo tật thị chúng” (Thiền sư Mạn Giác) biết quy luật của cuộc sống, biết được những thay đổi vô thường của cuộc đời để không lo âu, sợ hãi mà phải sống hết mình, "sống minh triết và khoáng đạt” mở rộng lòng để đón nhận cuôc sống, như vậy mới là "sống hết kích thước của cuộc sống". Rồi tôi tiếp cận với những mẩu chuyện tiếp theo của cuốn sách, dần dần tôi cảm nhận được có một sự thay đổi trong con người tôi. Tôi biết nói lời yêu thương đến gia đình tôi, người thân tôi, tôi muốn trở về nhà khi có dịp bởi tôi nhận ra được nguyên nhân cốt lõi của những gì gia đình bất đắc dĩ phải mang đến cho tôi. Tôi trở nên ít bực dọc hơn vì những chuyện không đâu. Tôi biết hi sinh vì người khác hơn. Tôi trở nên nở nhiều nụ cười hơn và nhiều điều hơn nữa… khi đọc những mẩu chuyện “đạo đức là nền tảng của cuộc sống", "nhân từ và sự bằng lòng", "học cách hi sinh vì hạnh phúc của người khác", "ăn nói dịu dàng" và "tu tập lòng khoan dung và kiên nhận". Gấp cuốn sách lại dòng chữ cuối cùng tôi thấy được không phải dòng chữ lúc đầu nữa mà là "Chúng ta mở rộng cái Tâm để Xin giã từ ưu phiền và tìm ra phương hướng để đến chốn Hạnh phúc Bồng lai". Rời mắt khỏi cuốn sách, tôi như nở một nụ cười ẩn ý, "Cảm ơn Hai rất nhiều, rất nhiều Hai ạ!!"
Đó là điều tôi cảm nhận từ “Xin giã từ ưu phiền". Tuy những thay đổi nhỏ nhoi trong con người tôi chưa đủ sức lực để đánh bật tức khắc những ưu phiền chế ngự quá lâu trong con người tôi, nhưng tôi tin những thay đổi nhỏ nhoi ấy là phương hướng đưa tôi từng bước vượt ra khỏi những kí ức mà tôi đã chìm ngập trong đó một khoảng thời gian khá dài, tôi phải dần dần tiếp thêm nghị lực và nỗ lực để sống hạnh phúc, vui vẻ như tuổi hai mươi – như ngọn lửa đang rực cháy.
Bạn thân mến! "Để đau khổ và ưu phiền không những không khống chế được mà còn thay thế chúng bằng niềm an vui và hạnh phúc chân chính", thì bạn – những con người sống trong xã hội rất phát triển như hiện nay mà những vấn đề về tâm lí rất dễ nảy sinh, hãy tìm đến “Xin giã từ ưu phiền" của K.Sri Dhammananda (NXB Tôn giáo). Đặc biệt là những ai đang chứa đựng một nỗi ưu phiền nào đó, những cô cậu học sinh phải đối mặt với những điều mới mẻ ở tuổi mới lớn mà tâm lí chưa kịp chuẩn bị, có thể dẫn đến stress. Ở đó K.Sri Dhammananda không bằng những nhân vật nhiều tính cách, những lời thoại hấp dẫn với nhiều tình huống gay cấn như những cuốn sách, mà chính bằng sự trải nghiệm của chính ông, bằng những chân lý được ông phân tích, được chứng minh bởi lịch sử xã hội, bạn sẽ nhận từ đó cái mà bạn muốn để xóa tan đi những phiền muộn, bạn sẽ biết cách đẩy lùi những ưu phiền, lo sợ hàng ngày mà thay vào đó là niềm vui, tiếng cười giữa tình yêu thương của "con người hiện đại”.
Sinh viên: Nguyễn Thùy Trinh
Lớp: Cử nhân Văn II – khóa 34
|