Bài viết tham dự cuộc thi: Giới thiệu sách 2010
GIÁO TRÌNH NGÔN NGỮ HỌC ĐẠI CƯƠNG
Tác giả: Ferdinand de Saussure
Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Từ lâu người ta đã nói đến tầm quan trọng của việc đọc sách. Mặc dù hiện nay có nhiều phương tiện thông tin khác, nhưng sách vẫn khẳng định được vai trò không thể thay thế trong đời sống con người. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều loại sách với những mức độ giá trị khác nhau cùng tồn tại. Vì vậy, chọn được cuốn sách như ý muốn không phải là dễ. Ý tưởng chia sẻ những cuốn sách hay với người khác nảy ra, nếu được sự hưởng ứng của nhiều người, chắc chắn sẽ có đóng góp tích cực cho việc giải quyết vấn đề này.
Đó cũng là tư tưởng chính của cuộc thi "Giới thiệu sách" do trường ta tổ chức. không muốn là người ngoài cuộc, tôi đến đây, cùng với hành trang là cuốn giáo trình ngôn ngữ học đại cương của nhà ngôn ngữ học Thụy Sỹ Ferdinand de Saussure. Tôi biết tới cuốn sách này chưa lâu, nhưng đã đọc và nhận thấy đó là một tài liệu đầy giá trị. Nhân dịp này, tôi xin giới thiệu đôi điều về nó với bạn đọc gần xa. Tôi sẽ hết sức vui mừng nếu tìm được sự đồng cảm từ nơi độc giả.
Cuốn giáo trình là kết quả của những tìm tòi và sáng tạo tích cực trên con đường hầu như chưa có dấu chân qua, trong suốt cuộc dời của người thầy Saussure và sự tiếp thu xuất sắc cùng với một tấm lòng sùng mộ vô biên với thầy mình, của ba nhà ngôn ngữ học: Charles Bally, Albert Sechehaye và Albert Riedlinger. Ba người này đã cố gắng ghi lại cho thật giống ý của người thầy đã đi xa, bằng việc tập hợp những quyển vở ghi của nhiều học trò từng trực tiếp học Sauussure. Sự ra đời của cuốn sách đã đánh dấu sự ra đời của một ngành khoa học quan trọng: khoa học và ngôn ngữ.
Nói tới ngôn ngữ, chúng ta sẽ thấy một cái gì đó quen thuộc như thể không khí hay nước vậy. Con người sử dụng nó ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, nó là phương tiện quan trọng nhất để giao tiếp, và là một công cụ để tư duy. Đó cũng là lý do người ta coi nó quan trọng phân biệt con người với các loài khác. Chính vì vậy mong muốn tìm hiểu về nó cũng không phải đến Saussure mới có, nhưng đưa nó trở thành ngành khoa học thật sự thì chỉ đến ông mới làm được, bằng việc xác định cho ngôn ngữ một đối tượng minh xác và một phương phương pháp luận hiển ngôn. Ông thật xứng đáng danh hiệu “cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại” mà người sau phong tặng. Trong hơn một thế kỉ tồn tại, Saussure và những luận điểm của ông đã trở thành chủ đề của hàng nghìn trang sách. Phần lớn các nhà ngôn ngữ học nối tiếp ông đều thừa nhận công lao to lớn đó. Mặc dù cũng có những hạn chế nhất định, nhưng những luận điểm mà ông đưa ra đều được các tác giả của những quyển sách ra đời sau đó trình bày, theo những trật tự khác nhau. Tất cả, cho thấy sự cần thiết của việc tiếp cận tài liệu ngôn ngữ học mang tính gốc gác này. Nhưng sự khác biệt giữa hai thứ tiếng khiến chúng ta không dễ gì đọc và hiểu được tài liệu ấy. Vì thế Cao Xuân Hạo – một nhà nghiên cứu ngôn ngữ của Việt Nam, đã dịch nó sang tiếng Việt từ nguyên bản Pháp văn. Nhờ vậy, những người Việt quan tâm đến ngôn ngữ đó có dịp tìm hiểu nó từ hạt giống đầu tiên của khoa học này. Và chắc chắn ta sẽ thu được nhiều điều bổ ích, không thể có ở những tài liệu khác.
Như trên đã nói, cuốn giáo trình chứa đựng tâm huyết cả một đời của Saussure. Cuốn sách gồm hai phần, sau mỗi nội dung đã triển khai độc giả còn có cơ hội hiểu kĩ một số vấn đề quan trọng, được trình bày trong phần phụ lục.
Phần thứ nhất là Dẫn luận. Phần này, bước đầu đưa người đọc làm quen với ngôn ngữ, và ngành khoa học về nó. Với mục đích chủ yếu như vậy, chương đầu tiên của cuốn sách trình bày về tiến trình phát triển của ngôn ngữ học. Sau đó độc giả sẽ lần lượt được tìm hiểu đề tài, nhiệm vụ, những mối quan hệ của ngôn ngữ học với các ngành khoa học tiếp cận; đối tượng của ngôn ngữ học; ngôn ngữ học của ngôn ngữ và ngôn ngữ học của lời nói; những yếu tố bên trong và những yếu tố bên ngoài của ngôn ngữ; việc biểu hiện ngôn ngữ bằng chữ viết; và cuối cùng ta sẽ được làm quen với ngữ âm học – một bộ phận của ngành khoa học nghiên cứu ngôn ngữ. Phụ lục của phần này bao gồm hai ý, được phân làm hai chương: chương một nói về các loại hình ngữ âm, chương hai nói về âm trong ngữ lưu.
Phần trên là những kiến thức mang tính nhập môn, chắc chắn, bạn cũng như tôi, chúng ta sẽ không dễ chấp nhận đi lướt qua. Tác giả cũng không muồn dừng lại ở đây. Phần sau cuốn sách sẽ giải quyết vấn đề này với số lượng trang sách thỏa đáng, trình bày kĩ càng về những nội dung quan trọng của ngôn ngữ. Nhờ vậy, người đọc chúng ta sẽ biết thế nào là ngôn ngữ học đồng đại, ngôn ngữ học lịch đại, ngôn ngữ học địa lý, và thế nào là ngôn ngữ học hồi quan. Không chỉ vậy, những nội dung của cuốn sách còn cung cấp cho người đọc một loại khái niệm quan trọng liên quan đến ngôn ngữ, như: dấu hiệu, năng biểu, tính bất biến, tính khả biến, thực thể và đơn vị,…Sau khi triển khai vấn đề, cuối mỗi chương đều có phần kết luận để người đọc dễ tiếp thu và khắc ghi vấn đề đã nêu. Ngoài ra, ở mỗi chương còn có phụ lục đi kèm. Phần phụ lục này sẽ giúp người đọc hiểu sâu hơn một số khía cạnh thuộc nội dung đã trình bày trước.
Khi đi vào tìm hiểu những nội dung của cuốn sách, người đọc sẽ thấy rằng các vấn đề ở đây được trình bày khá sâu sắc, sự phân tích kĩ lưỡng cộng với những minh họa giàu hình ảnh là một yếu tố tích cực giúp chúng ta dễ tiếp cận hơn với ngành khoa học, được đánh giá là rất phức tạp này. Trong sự ví von mà Saussure hay làm, người đọc chắc chắn sẽ không thể quên hình ảnh bàn cờ, được dùng để ghi ngôn ngữ, nó đã xuyên dọc tác phẩm, và lôi cuốn nhiều đối tượng khác tham giavào hoạt động làm rõ chủ điểm cuốn sách. Saussre quan niệm rằng người bản ngữ, cũng giống như người ghé vào xem một ván cờ đang đánh dở, hoàn toàn không biết trước đó hai người đánh cờ đã đi những nước gì. Nhưng người ấy cũng chẳng cần biết , vì mọi sự có mặt trên bàn cờ khi đó đủ để họ có thể tiếp tục ván cờ cho đến khi kết thúc.
Chừng ấy nội dung, được triển khai trong hơn 400 trang sách, đó không phải là nhiều, nhưng hiểu hết ý nghĩa của từng câu chữ trong đó là quả một vấn đề lớn lao. Rất nhiều độc giả trên khắp thế giới đã nghiên cứu về chúng, nhưng có rất nhiều cách hiểu về một vấn đề. Có điều đó một phần là do cách tiếp cận khác nhau, mặt khác là do sự quá phức tạp của ngành khoa học này. Và rồi sự tranh cãi là không thể tránh khỏi, nhưng người ta cũng không có được nột cách hiểu thống nhất. Vấn đề này vì thế còn phải bàn thêm rất nhiều nữa. Bạn cũng đừng tách ra khỏi cuộc bàn luận này, nhất là khi bạn là đối tượng đam mê tìm hiểu những cái quen thuộc gần gũi với chính mình, hay công việc bạn làm có mối liên quan mật thiết với ngôn ngữ. Hãy cố gắng đọc giáo trình và tìm lấy cách hiểu mà bạn cho là ưu việt nhất. Rồi biết đâu một sự đặc biệt nào đó lại xảy ra, như có được một cách hiểu mới hay phát hiện ra một giá trị chưa từng biết đến chẳng hạn.
Tầm quan trọng của ngôn ngữ học, và những ưu điểm của cuốn giáo trình đã nói lên việc cần thiết của việc đọc, đặc biệt là với những người trong tương lai làm công tác giảng dạy như chúng ta. và thật tuyệt vời khi những người trực tiếp học tập và nghiên cứu ngôn ngữ coi cuốn giáo trình trở thành "cuốn sách gối đầu giường" của mình. Tất nhiên, cũng không nên coi những gì mà Saussure nhận thức được là đủ, thế hệ sau chúng ta phải biết lấy những tinh hoa của người đi trước làm nền tảng cho sụ phát triển tiếp theo. Và đó chắc chắn không chỉ là vấn đề của riêng ngàng khoa học về ngôn ngữ.
Trên đây, là lời giới thiệu của tôi về cuốn Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Ferdinand de Saussere, người đã khai sinh ra ngành khoa học về ngôn ngữ, moột ngành khoa học có tầm quan trọng đặc biệt với con người. Với tư cách là một người đã đọc cuốn sách, tôi thực sự mong muốn nó đến được tay bạn đọc và có đem lại cho độc giả nhiều điều bổ ích thú vị.
Cuối cùng, xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến những thành viên của ban tổ chức, nhưng người đã cho sinh viên chúng em một cơ hội để giao lưu, học hỏi. Xin chúc cuộc thi thành công rực rỡ.
|