BÀI VIẾT CẢM NGHĨ VỀ MỘT CUỐN SÁCH
BẾN QUÊ
Tác giả: Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là người có trái tim nhạy cảm, đầy ý thức trách nhiệm với cuộc đời. Qua hàng loạt tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Châu đã từng bước khám phá thế giới nội tâm ở mỗi con người, phát hiện những phần sáng tối, từ đó hướng con người đến cái chân thiện mĩ. "Bến quê" là một tác phẩm xuất sắc được xuất bản năm 1984 – bốn năm trước khi nhà văn từ giã cuộc đời.
"Bến quê" được tạo nên bởi sự kết hợp hài hoà của nghệ thuật xây dựng tình huống, xây dựng hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng và khả năng miêu tả tâm lý tinh tế. Qua tác phẩm, người đọc cảm nhận đựơc những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời. Đọc “Bến quê" ta thấy một cốt truyện thật đơn giản nhưng lại toát lên tính triết lý sâu sắc, có ý nghĩa tổng kết về cuộc đời một con người. Tác giả đã đặt nhân vật của mình vào những tình huống éo le, đầy nghịch lý: cả cuộc đời Nhĩ đã từng đi khắp mọi nơi, đến không sót một xó xỉnh nào trên thế giới, thế mà cuối đời chỉ nhích tới bên cửa sổ cũng khó khăn như phải đi hết cả một vòng trái đất. Rồi cái bãi bồi bên kia sông Hồng – thật gần gũi nhưng anh chẳng bao giờ có thể đặt chân tới đựơc. Đứa con trai để lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày bởi vì ham trò phá cờ thế như anh ngày xưa cũng là một điều nghịch lý vậy. Ngay cả người vợ tần tảo sống bên anh đã mấy chục năm, có với nhau mấy mặt con mà đến gần hết cuộc đời, sắp giã biệt cuộc sống anh mới cảm nhận thấm thía tình yêu và đức hi sinh của vợ, lại càng là nghịch lý trớ trêu. Phải chăng đặt nhân vật Nhĩ vào cả chuỗi những nghịch lý như thế nhà văn muốn hướng người đọc đến nhận thức về cuộc đời: cuộc sống và số phận con người chứa đầy những điều bất thường "cuộc đời vốn đa sự, con người vốn đa đoan”.
Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ cậy vào vợ con, với tấm lưng vừa chai vừa loét, Nhĩ nằm đấy để suy nghĩ, để khám phá từng mặt ý nghĩa của cuộc đời. Nhĩ thấy cảnh đất trời sắp vào thu như đang thay áo mới. Qua cái ngày đầy tâm trạng của Nhĩ cảnh vật cứ lần lựơt hiện lên. Từ bông hoa Bằng Lăng bên cửa sổ đến bầu trời thu lồng lộng, xa kia là con sông Hồng một màu đỏ nhạt và phía trên kia sông là một dãy đất bồi. Rồi cả cái Bến quê với hình ảnh con đò có cánh buồm nâu bạc, tất cả cứ dần dần hiện ra với những vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp bình dị, gần gũi. Đáng lẽ phải gắn bó từ lâu, vậy mà đến tận sáng hôm nay, Nhĩ mới cảm nhận được như một phát hiện mới mẻ, vừa thích thú mà lại vừa mới lạ vì đã quá muộn màng, chậm trễ. Cả đời đã vòng vèo, chùng chình để đến bây giờ mới nhận ra điều ấy: Phải chăng đây là tâm trạng của một con người nặng trĩu, những từng trải, đau thương: Yêu quê hương nhưng cả đời ly hương, mắc vào điều vòng vèo, chùng chình nên bây giờ càng thấy xót xa, tiếc nuối. Không phải chỉ qua những cảnh vật thiên nhiên bình dị, Nhĩ có khi đã từng hờ hững với cả vợ mình. Trên cuộc đời rộng cánh bay của mình cũng không có ít khi anh lãng quên tình nghĩa vợ chồng, để tâm đến bóng hồng nào đó, tìm vui bên một người con gái khác. Có lẽ thẩm sâu suy nghĩ anh lúc này là bao sự sám hối: Sao không nương tựa vào nhau để cùng đi qua cuộc đời, bám lấy quê hương để tạo lập cuộc sống? Sao không có được một cuộc đời tuy lầm lũi, vất vả mà hạnh phúc như bao người khác? Sao không nhận ra vẻ đẹp của vợ sớm hơn?...
Đời sống nội tâm của nhân vật Nhĩ đã được khắc họa một cách sinh động qua những diễn biến tâm trạng dưới tác động của hoàn cảnh. Ngòi bút miêu tả tâm lý thật tinh tế hợp lý, vừa trực tiếp vừa gián tiếp, giọng kể chuyện giàu ngẫm ngợi, triết lý mà vẫn cảm xúc, trữ tình. Qua hàng loạt những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng khéo léo, thành công, Nguyễn Minh Châu đã làm nên một "Bến quê" đầy tính nhân văn, đáp ứng yêu cầu của thời đại. Cùng với "Phiên chợ Giát", "Bức tranh", "Người đàn bà",…của mình, Nguyễn Minh Châu đã góp một tiếng nói quan trọng vào việc lay động và thức tỉnh con người. Tác phẩm đã cho thấy một trái tim yêu thương cuộc sống, một con người nặng lòng và đầy trách nhiệm với cuộc đời. Nó cũng là minh chứng cho sự đổi thay của một thời kì văn học mới “Văn học tự thay máu” của chính mình.
Không tự mình làm được cái việc đơn giản đi sang bên kia sông, Nhĩ chợt nảy ra sáng kiến nhờ con trai đi thay mình, cảm nhận thay mình. Con anh không hiểu được điều anh mơ ước nên ra đi một cách miễn cưỡng rồi bị cuốn hút vào trò chơi phá cờ thế để lỡ chuyến đò sang sông. Anh không trách giận con. Anh trầm ngâm rút ra quy luật đời người: “Con người ta trên đường đời khó tránh được những cái điều vòng vèo và chùng chình". Chỉ vài lần vòng vèo chùng chình thì đã hết một cuộc đời và có nhiều thứ chẳng bao giờ có thể làm lại. Con anh lỡ một chuyến đò ngang duy nhất trong ngày, ngày mai lại có thể sang sông, thì sao có thể tiếc nuối được, còn anh thì chẳng bao giờ có thể sang sông được nữa. Phải chăng đó là một sự trả giá xứng đáng cho những gì anh đã từng thờ ơ?.
Anh thất vọng ôm nỗi buồn riêng. Khi con đò ngang vừa chạm mũi đất bên kia sông, anh chỉ còn biết thu hết tàn lực đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc… khoát khoát. Phải chăng anh đang nôn nóng thúc giục con trai mau mau kẻo lỡ chuyến đò? Phải chăng anh đang cảm nhận cái ngắn ngủi của sự sống không hề chờ đợi anh thêm một chuyến đò khác? Hình ảnh ấy còn có ý nghĩa khái quát hơn nữa: Nó là sự nhắc nhở, thức tỉnh mọi người về những cái vòng vèo chùng chình mà chúng ta đang ra vào trên đường đời. hãy mau dứt ra khỏi nó để hướng tới những giá trị đích thực vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững. Hãy sống khẩn trương, sống có ích, đừng la cà để thời gian trôi qua lãng phí. Hãy dứt ra khỏi những dềnh dàng, vòng vèo vô bổ mà chúng ta rất dễ sa đà. Muốn vậy phải có bản lĩnh.
Nhân vật Nhĩ trong truyện cũng như nhiều nhân vật khác của Nguyễn Minh Châu, là kiểu nhân vật tư tưởng với những trăn trở nghĩ suy để tự khám phá mình, nhận thức về cuộc đời. Tác giả đã gửi gắm qua nhân vật nhiều suy ngẫm, triết lí. Nhân vật Nhĩ không đại diện cho ai mà cho tất cả. Nhiều người từng bị lạc đường, lạc hướng, để tuổi trẻ và thời gian bị lãng phí do tâm hồn nông cạn, sống thiếu mục tiêu tầm nhìn hạn hẹp. Vì thế mà không bao giờ thoát ra khỏi những vòng vèo, chùng chình, sẽ không bao giờ hết ân hận, không bao giờ tìm thấy cái gì hấp dẫn ở ngay bên cạnh trên đường đời. Cuộc đời đúng là một ẩn số, đường đời là một bài toán khó "thế lộ nan, hành lộ nan" là như vậy. Vì thế phải có trí tuệ, chí khí, có lý tưởng đẹp, giàu lòng kiên nhẫn, và cần phải có môt tấm lòng gắn bó với quê hương mới có thể bớt được rủi ro, mới có thể không phải buồn đau, ân hận, dằn vặt khi tất cả đã quá muộn màng. Có bao điều tốt đẹp, cả hạnh phúc...tất cả không ở đâu xa xôi, có điều con người có biết cảm nhận ra để nâng niu, trân trọng hay không mà thôi! Đây là một tác phẩm hay, nếu ai chưa học hãy tìm đọc ngay nhé.
|